Tác động của Luật Doanh nghiệp Luật_Doanh_nghiệp_(Việt_Nam)

Tác động tích cực sau khi Luật Doanh nghiệp ra đời

Luật Doanh nghiệp chính thức đi vào thực hành từ năm 2000 mang lại nhiều thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp tư nhân. Tác động đầu tiên của nó chính là vô hiệu hóa hàng loại các loại giấy phép, con dấu các loại, giảm nhiêu khê và công sức của doanh nghiệp trong các hoạt động của mình. Khi Luật đi vào hoạt động, chính phủ của thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục tìm cách xóa bỏ bớt những loại giấy phép còn tồn đọng. Đến năm 2003, có khoảng 500 loại giấy phép "thừa" được thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định bãi bỏ. Hệ quả là môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Việt Nam tăng được 2 bậc trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Tuy vẫn bị đánh giá rất thấp (hơn Thái Lan và Trung Quốc nhiều), nhưng đây là sự cải thiện rõ ràng. Khối kinh tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ. Từ năm 2000 đến năm 2002 có 55.793 doanh nghiệp mới được thành lập, trong khi 9 năm trước đó 1991-1999 chỉ có 45.000[4]

Luật Doanh nghiệp ra đời còn giảm thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền, hải quan, thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn, và tốn ít chi phí bôi trơn hơn. Luật Doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện và áp dụng cho cả doanh nghiệp tư nhân và nhà nước đã phần nào đưa các loại hình doanh nghiệp vào một sân chơi chung, hứa hẹn giảm tải sự tham gia của nhà nước vào kinh doanh, thúc đẩy tự do và phát triển kinh tế.

Đến nay tuy vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, việc thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam đã rất nhanh và dễ dàng so với trước khi có luật. Ở những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng v.v, đã xuất hiện nhiều dịch vụ tư nhân hỗ trợ thành lập doanh nghiệp với chi phí khá thấp. Riêng trong năm 2013, Việt Nam có 76.955 doanh nghiệp mới được thành lập[5]

Những biến chuyển trong việc thực thi Luật Doanh nghiệp từ thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Tuy đã rất cố gắng, thủ tướng Phan Văn Khải cùng Tổ công tác của ông cũng không trừ bỏ được vấn nạn giấy phép. Các loại giấy phép kinh doanh cứ liên tục "mọc lên" và vẫn là rào cản rất lớn cho sự phát triển lành mạnh của môi trường kinh doanh tại Việt Nam. "Sân chơi công bằng" vẫn tiếp tục là điều xa vời khi các công ty nhà nước vẫn được ưu tiên quá nhiều, nắm giữ những nguồn tài nguyên, vốn của đất nước cùng các loại đặc quyền đặc lợi thành văn và bất thành văn khác. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với chủ trương lớn kinh tế tập đoàn của mình, nhìn chung đã đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp và chính phủ của thủ tướng Phan Văn Khải khi lạm dụng việc điều hành kinh tế bằng những chỉ thị, nghị quyết và công văn mà không sử dụng luật. Việc nhà nước tiếp tục tham dự sâu vào sân chơi kinh tế khiến cho các loại giấy phép lại sinh sôi nẩy nở, tình trạng lãng phí và tham nhũng lại diễn ra nặng nề hơn. Việt Nam đã hình thành nền kinh tế cánh hẩu cùng các nhóm lợi ích liên quan đến các quan chức nhà nước. Kết quả là giảm tính cạnh tranh, năng suất lao động và hiệu quả lao động của cả nền kinh tế. Rất nhiều nhà khoa học và chuyên gia kinh tế, trong cũng như ngoài nước đang lo sợ sự trì trệ và suy giảm kinh tế sẽ diễn ra trong tương lai gần nếu không có sự thay đổi.